Đồ họa thực ra đã xuất hiện từ rất lâu, đã có hàng trăm những “sản phẩm” với nhiều hình dạng được khắc ở các hang động trước những năm 30,000 TCN, và cụm từ “Graphic Design” chỉ lần đầu tiên được xuất hiện vào năm 1922 bởi William Addison Dwiggins và được phổ biến rộng rãi hơn sau thế chiến 2. Thiết kế đồ họa đã lại phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây khi công nghệ thông tin bước sang thời kì mới. Những sản phẩm đồ họa đa phương tiện đã có giá trị cao hơn nhiều so với trước đây. Nhưng thực ra một sản phẩm đồ họa là như thế nào? Và bạn cần biết gì trước khi bước vào ngành nghề này?
Thiết kế đồ họa là gì ?
Thiết kế đồ họa (Graphic Design) theo như Dwiggins có nghĩa là một cụm từ được ông dùng để mô tả những công việc, hoạt động của ông trong cộng đồng in ấn như bìa sách, ảnh mô tả (illustration), typography, thư từ, thư pháp. Tất cả sản phẩm của ông chỉ hướng đến việc truyền tải ý nghĩa, thông điệp, những nội dung khó mô tả chỉ bằng văn viết hay một tấm ảnh bằng một sản phẩm đồ họa được thiết kế hướng đến người xem. Đó cũng là kim chỉ nam mà các Graphic Designer phải luôn ghi nhớ khi thiết kế một sản phẩm đồ họa.
Biển báo cấm đậu xe là một ví dụ khá dễ hiểu về sản phẩm của Graphic Design, nó đã làm tốt nhiệm vụ của mình đó chính là gây sự chú ý của người đi đường với tông màu rực rỡ và kí hiệu thông báo cho người điều khiển phương tiện rằng khu vực này không được đậu xe. Sản phẩm phải luôn đạt được mục đích chính là truyền đạt thông điệp đến cho người dùng.
Ngành thiết kế đồ họa và những hướng đi cho Graphic Designer
1. Thiết kế Bộ nhận diện thương hiệu
Một thương hiệu khi bắt đầu quảng bá bản thân doanh nghiệp, cửa hàng, quán ăn… của mình đến khách hàng thì trước tiên cần phải có một bộ nhận diện thương hiệu. Bộ nhận diện thương hiệu là cách mà tổ chức, doanh nghiệp truyền tải thông điệp, ý nghĩa, mục đích, sản phẩm, cảm xúc, trải nghiệm… thể hiện chính xác qua những sản phẩm Graphic Design, kể cả những doanh nghiệp nhỏ cũng có ít nhất 1 sản phẩm nhận diện là logo. Chuyên viên thiết kế đồ họa cần phải nắm bắt được chính xác những gì mà khách hàng muốn truyền tải thông qua sản phẩm đồ họa như bán sản phẩm, quảng bá quán ăn, shop thời trang… Sau đó tổng hợp lại và cho ra những thiết kế mang dấu ấn của thương hiệu.
2. Thiết kế sản phẩm truyền thông đa phương tiện cho Marketing và Quảng cáo
Đây có lẽ là công việc mà nhiều người nghĩ đến nhất khi đề cập đến Thiết kế đồ họa. Có rất nhiều công ty hiện nay dựa rất nhiều vào sức mạnh của Marketing và Quảng cáo để phát triển cũng như sinh lợi nhuận. Một dự án Marketing thành công, đạt hiệu quả tốt là có thể khuyến khích được người dùng quyết định mua một sản phẩm, sử dụng một dịch vụ, hay thực hiện hành động như đăng kí, hoặc tải game, ứng dụng về điện thoại.
Vậy thì cách tốt nhất để khuyến khích được người dùng thực hiện hành động là gì? Đó chính là những sản phẩm thiết kế đồ họa đẹp mắt với những câu content chất lượng thu hút, kích thích sự tò mò, nói đúng vào những gì khách hàng đang cần, đang muốn. Mục đích chính của Thiết kế truyền thông đa phương tiện là thúc đẩy khách hàng thực hiện hành động thông qua sản phẩm đồ họa như:
- Quảng cáo trên báo, tạp chí
- Hình ảnh cho website, các trang blog
- Hình ảnh cho các chiến dịch quảng cáo qua mạng xã hội
- Infographic
- Posters, banner
3. Thiết kế Giao diện người dùng- UI Graphic Design
Giao diện người dùng (UI) là cách mà người dùng giao tiếp với một ứng dụng hay một thiết bị. Thiết kế UI có mục đích giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn trên một giao diện dễ tương tác và sử dụng.
Một UI Designer sẽ thiết kế mọi thứ mà người dùng nhìn thấy và tương tác trên giao diện như layout, hình ảnh, hiệu ứng, các nút chức năng, menu,… Thiết kế UI sẽ thiên về trải nghiệm và hiểu ý của người dùng hơn là truyền tải thông điệp. Những thiết kế UI là thiết kế đặc trưng cho công nghệ ngày nay khi nó được dùng chủ yếu trên các ứng dụng desktop, ứng dụng điện thoại, game, các thiết kế web. UI có sự liên quan mật thiết đến UX- User Experience (Trải nghiệm người dùng) nên nếu bạn quyết định tập trung vào thiết kế giao diện người dùng thì học cả UI/UX là điều bắt buộc.
4. Thiết kế sản phẩm xuất bản
Những sản phẩm xuất bản dù đã giảm đi lượng khán giả khá nhiều nhưng những ấn phẩm vẫn luôn có chỗ đứng, vị trí nhất định trong công cuộc truyền tải thông điệp. Những bìa sách, bìa tạp chí, báo… là những gì mà bạn sẽ thường xuyên nhận được đối với công việc này.
Chuyên viên thiết kế sản phẩm xuất bản cần phải có kĩ năng khá cao về mảng Typography cũng như thẩm mỹ tốt về font chữ. Sự phối hợp đẹp mắt giữa typography và hình ảnh là yếu tố quan trọng đem lại một tác phẩm đẹp và phù hợp xuất bản. Theo https://freelancervietnam.vn/, các công việc này thường được giao cho các Freelance Designer thay vì những vị trí cố định do đặc thù của thị trường sản phẩm xuất bản như hiện nay.
5. Thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm
Thiết kế bao bì sản phẩm là một công việc khá thú vị, khi những dự án mà bạn nhận được thường không trùng nhau. Và điều tạo nên sự thú vị là khi bạn bắt đầu tiến hành một dự án mới thì bạn phải tìm hiểu rất kĩ càng về thương hiệu cũng như sản phẩm mà họ giao dự án cho bạn. Mỗi loại sản phẩm thường có cách đóng gói, bao bì khác nhau về kích thước, chất liệu khác nhau. Nên việc thiết kế nên một bao bì phù hợp với sản phẩm và vừa thể hiện được giá trị của thương hiệu đòi hỏi khá nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu. Vì những lý do đó nên những bạn chọn thiết kế bao bì sản phẩm thường sẽ làm việc tại một tổ chức, công ty, cửa hàng cụ thể trong thời gian dài.
Nhu cầu thiết kế bao bì chưa bao giờ có dấu hiệu giảm, nguyên nhân là nhiều nhãn hàng lớn ngày càng đầu tư cho bao bì sản phẩm, các startup nhỏ cũng muốn gây ấn tưởng với khách hàng thông qua bao bì đóng gói của sản phẩm, chính vì vậy mà theo chia sẻ của công ty Abkldesigns thì số lượng đơn yêu cầu thiết kế bao bì mới tại đơn vị này mỗi tháng vẫn tăng. Cho thấy đây đang là một lĩnh vực khá thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Những phần mềm thiết kế đồ họa phổ biến nhất hiện nay
1. Adobe Photoshop
Đối với hình ảnh thì ông hoàng Photoshop (PTS) đương nhiên là phần mềm thiết kế đồ họa đầu tiên được nhắc đến. Photoshop là phần mềm chỉnh sửa ảnh cực kỳ mạnh mẽ với đầy đủ công cụ và các tính năng đi đầu trong lĩnh vực hình ảnh và đồ họa. Bạn có thể làm cực kì nhiều thứ với Photoshop không chỉ riêng chỉnh sửa ảnh mà cả thiết kế đồ họa, thiết kế 3d…. Đây là phần mềm cực kì đáng dùng và đáng học để dùng kể cả khi bạn không làm chuyên về thiết kế đồ họa vì đây có thể xem là một trong những kĩ năng mềm giá trị hiện nay.
2. Adobe Illustrator
Adobe Illustrator (AI) là phần mềm chuyên dụng để sáng tạo, không như Photoshop, AI không thể chỉnh sửa ảnh được. Những công cụ của AI phục vụ tốt nhất cho mục đích vẽ hình minh họa (illustration), hỗ trợ sáng tạo nhân vật và phối cảnh cho video, phim hoạt hình… AI thường được sử dụng để tạo những sản phẩm in ấn như banner, poster, flyer vì AI tạo ra những hình ảnh dạng vector có thể thu phóng thoải mái mà không bị vỡ hình.
3. Adobe InDesign
Adobe Indesign (ID) là phần mềm bố cục chuyên nghiệp giúp người dùng có thể quản lý cùng lúc nhiều trang thiết kế, rất phù hợp cho việc in ấn các ấn phẩm cần dàn trang như sách, báo vì ID cũng có khả năng thiết kế hình ảnh minh họa dạng vector. ID là sự kết hợp của Illustrator, Word, PowerPoint và ngoài ra Indesign cũng tương thích rất tốt với các phần mềm khác để làm cầu nối cho nhiều thiết kế kết hợp với nhau.
4. CorelDraw
CorelDRAW là phần mềm có mục đích như AI, những sản phẩm do CorelDRAW tạo ra những sản phẩm Vector với hiệu ứng đẹp mắt. Bạn có thể dễ dàng kiểm soát các đối tượng, lớp, và trang với CorelDRAW, ngoài ra Corel cũng có cho mình kho Templates riêng.
5. PaintShop
Corel Paintshop cung cấp cho người dùng bộ công cụ chỉnh sửa ảnh với đầy đủ các chức năng cơ bản. Ngoài ra Paintshop còn có chức năng nhận diện khuôn mặt và khả năng tương thích tốt với các đối tượng được thiết kế theo dạng vector.
Kết
Nếu bạn đang dành sự quan tâm đến lĩnh vực Thiết Kế Đồ Họa và muốn tìm hiểu rõ hơn để biến nó thành một sự nghiệp vững chắc sau này thì hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết được những thắc mắc đó. Ngoài ra DesignTNT cũng sẽ chia sẻ rất nhiều bài viết liên quan đến thiết kế đồ họa, mời các bạn theo dõi.